Tôi có người bạn đang sống ở Đức, bạn ấy chia sẻ trong nội dung phần thi lý thuyết để lấy bằng lái xe có một câu hỏi về đèn tín hiệu giao thông, đại khái như sau: “Trong nội ô, nếu bạn đang lái xe với vận tốc X và còn cách giao lộ Y mét, lúc này đèn tín hiệu chuyển vàng thì bạn sẽ giảm tốc độ để dừng lại hay tăng ga để qua giao lộ luôn?”.
Trong câu hỏi này, người dự thi cần phải suy nghĩ để đưa ra đáp án đúng dựa theo nguyên tắc sau: nếu quãng đường xe lăn bánh từ lúc nhìn thấy đèn vàng đến khi dừng lại lớn hơn khoảng cách đến giao lộ, bạn cần đi tiếp.
Cụ thể, từ khi nhìn thấy đèn vàng, lái xe cần thời gian để nhận biết, phản ứng rồi mới phanh. Như vậy, ở đây chúng ta có hai quãng đường, quãng đường phản ứng
và quãng đường phanh. Gọi a là quãng đường phản ứng, được tính theo thời gian 1 giây để đưa ra quyết định. Gọi b là quãng đường phanh để xe dừng, tính theo phương pháp rà từ từ để dừng, không phanh gấp.
Cách tính cho a, b được họ quy định như sau:
a = (Vận tốc tối đa cho phép x 3)/10
b= Bình phương của (Vận tốc tối đa cho phép/10)
Đáp án đúng của câu hỏi sẽ là:
Nếu a+b>Y, tài xế tăng ga qua luôn. Nếu a+b < hoặc = Y, tài xế phanh dừng.
Trở lại thực tế tình hình giao thông tại TP HCM, với vận tốc tối đa (V85) vào khoảng 30 km/h (V85 là tốc độ suất tích lũy) và giả định xe bạn còn cách giao lộ khoảng 20 mét. Lúc này bạn nhìn thấy đèn chuyển vàng (không có giây đếm ngược) nên a+ b =(30*3)/10 + (30/10)bình phương = 9 + 9 = 18 mét.
Con số 18 mét này nhỏ hơn khoảng cách 20 mét (theo giả thiết) nên người lái cần giảm tốc độ để dừng đèn đỏ khi còn cách giao lộ tầm khoảng 20 mét (khoảng 4 lần chiều dài xe con 5 chỗ) là an toàn.
Bạn suy nghĩ như thế nào về cách tính này để đưa ra quyết định là dừng lại trước vạch dừng hay mớm ga để qua luôn khi nhìn thấy đèn chuyển vàng lúc xe bạn còn cách giao lộ tầm 20 mét.